Xuất bản: 30/09/2019  

Bé gái mắc sỏi mật khi mới 9 tuổi

Bệnh sỏi mật

Bệnh nhi hiện 13 tuổi, đã dùng thuốc trị sỏi mật suốt 4 năm nay. Nếu sỏi to lên gây biến chứng sẽ phải cắt túi mật.

Bé đến khám tại Bệnh viện Việt Đức ngày 28/9, da xanh xao. Mẹ bé cho biết bé vẫn uống thuốc điều trị thường xuyên và theo dõi định kỳ.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật gan, mật, Bệnh viện Việt Đức, cho biết sỏi túi mật hình thành theo cơ chế phức tạp, chủ yếu liên quan đến chuyển hóa. 90% bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Nhiều trường hợp tới viện khám ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn.

Bệnh sỏi mật
Bé gái 13 tuổi đã mắc bệnh sỏi mật 4 năm. Ảnh: L.N.

Bệnh sỏi mật hay gặp ở tuổi trung niên, gần đây có xu hướng xuất hiện ở người trẻ. Trẻ em mắc sỏi mật chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa do ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều chất béo, đạm. Trẻ ở nông thôn, do vệ sinh không bảo đảm nên nhiễm giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật.

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết sỏi túi mật phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và một số xét nghiệm cận lâm sàng. Người bệnh đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, có dấu hiệu vàng da… cần phải đến cơ sở y tế thăm khám.

Bệnh lý sỏi mật, sỏi túi mật thường gặp song không phải trường hợp nào cũng có chỉ định phẫu thuật. Nếu có sỏi trong túi mật nhưng bệnh nhân không đau, không sốt thì chỉ cần theo dõi, kiểm tra định kỳ 1-2 lần/năm. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật những trường hợp đau, viêm, teo túi mật hoặc thành mật dày, không có dịch mật… Phương pháp phẫu thuật là cắt túi mật.

Mỗi năm Khoa phẫu thuật gan mật của bệnh viện khám cho khoảng 3.000 người bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật.

Lê Nga/vnexpress

| NGÔI SAO THƯƠNG HIỆU »

| ĐỌC THÊM »