Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay trong bối cảnh bệnh viêm phổi corona đang là nỗi ám ảnh trong cộng đồng. Bệnh dịch, bệnh tật thật đau đớn và khốc liệt, và người ta đã thấu cảm hơn công việc của những người thầy thuốc khi hàng ngày họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách và đứng trước những lựa chọn sinh tử. Đây cũng là nguồn cảm hứng để Tạp chí Ngôi sao thực hiện chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề “Nghề y – Những giá trị còn mãi” với hai khách mời là: GS.NGND Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam và Ths.Bs Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Khoa Ngoại thận, tiết niệu và nam học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể bạn quan tâm
- The Black Phone: Phim kinh dị xuất sắc 2022 !?
- Chân dung “nữ tướng” Lê Ngọc Chi – người vừa được bổ nhiệm làm CEO công ty sản xuất vaccine của Vingroup
- Nhạc phim Bố già: “Sao Cha Không” đã thu về loạt thành tích ấn tượng chỉ sau vài ngày ra mắt
- Diễn viên người Việt thắng giải tại Liên hoan phim Quốc tế Paris 2021
- “MV Cây tre trăm đốt” của Hậu Hoàng vươn lên vị trí Top 1 Trending YouTube Việt Nam
Chương trình truyền hình trực tuyến chủ đề “Nghề y- Những giá trị còn mãi”
MC Trang Moon: Thưa giáo sư Phạm Gia Khải, Giáo sư có thể chia sẻ con đường mà giáo sư đến với nghề thầy thuốc là như thế nào?
GS.NGND Phạm Gia Khải: Vì tôi thấy nhiều người bị đau khổ vì bệnh tật. Người xưa vẫn nói là từ chân đến đầu, đau đâu khốn đó. Tôi không muốn thấy người ta khổ. Từ bé tôi thấy một con chim bồ câu bị đau là tôi thương, tôi là một đứa trẻ thương người. Xuất phát từ lòng thương người, tôi tới với ngành y.
MC Trang Moon: Còn Ths.Bs Lê Văn Tuấn thì sao, con đường của anh đến với nghề y là như thế nào?
Ths.Bs Lê Tuấn: Thời 7x của chúng tôi, các bạn hay chọn ngành sư phạm, ngành kinh tế hay công an, thế nhưng còn riêng tôi thì tôi lại chọn ngành y. Trước kia, người dân khi mắc các bệnh thì thường hay điều trị theo cái sự mách bảo, gia truyền. Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, bố tôi bị một con rắn xanh cắn vào ngón chân cái, sau đó đã được ga rô lại, về nhà thì được bác hàng xóm sang rửa bằng nước xà phòng, đắp thuốc lá, sau đấy dùng một cái cục nam châm đắp vào vết thương với hy vọng là hút được nọc độc ra. Kỳ lạ thay là cũng khỏi, không phải đi viện. Lúc ấy, tôi cũng không hiểu cơ chế vì sao lại khỏi. Vì còn nhỏ nên tôi cứ tò mò tò mò, tò mò, và đến khi thi đại học thì tôi đã lựa chọn ngành y với hy vọng rằng, mình sẽ giúp gì đó được cho người thân của mình cũng như bà con hàng xóm. Cho đến bây giờ, những bệnh nhân trước khi đến tôi phẫu thuật, nhiều người trước đó họ dùng rất nhiều các thuốc được mách bảo, ai bảo gì tốt cũng đi, thế nhưng mà cuối cùng thì vẫn phải phẫu thuật. Cho nên, tôi cũng ấp ủ, mong muốn mình có thể làm một cái gì đó cho người dân, cho cộng đồng, để người bệnh hiểu, dùng thuốc điều trị đúng ngay từ ban đầu để đem lại kết quả tốt nhất.

MC Trang Moon: Các bác sĩ ở lứa tuổi của anh đang được xem là “thế hệ vàng” vì đang độ tuổi có độ chín về chuyên môn, kinh nghiệm, đặc biệt là tuổi có sự chính xác từ bàn tay khéo léo và tư duy chẩn đoán quyết đoán trong phẫu thuật. Vậy những khó khăn và thuận lợi đối với thế hệ các bác sĩ như anh hiện nay là gì?
Ths.Bs Lê Văn Tuấn: Xã hội hiện nay phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ cũng dễ dàng hơn trong tiếp cận với các phương pháp hiện đại, có các trang thiết bị tiên tiên giúp ích rất lớn trong điều trị y khoa. Thệ hệ chúng tôi cũng được thừa hưởng kinh nghiệm từ các thầy, đây là các điều kiện rất thuận lợi để việc điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn. Trong các nghề thì nghề y là nghề đặc biệt, vì liên quan trực tiếp đến con người, nên ngoài chuyên môn cần trau đồi về đạo đức. Đồng thời, khi chữa cho bệnh nhân, bệnh nhân hết bệnh sẽ có tương tác trở lại với bác sĩ, và đó chính là động lực cho người bác sĩ ngày càng hoàn thành tốt hơn công việc của mình.

MC Trang Moon: Thưa giáo sư Phạm Gia Khải, giáo sư có thể chia sẻ góc nhìn của giáo sư về nghề y?
GS.NGND Phạm Gia Khải: Người ta phải có sự thông minh của trái tim, nếu người bác sĩ có luôn thương bệnh nhân thì sẽ có một ngọn đèn soi nên đi con đường nào. Có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng bằng trái tim thương bệnh nhân, người bác sĩ đó sẽ có vượt qua được. Vậy nên qua kinh nghiệm bản thân tôi, tôi cho rằng, là người bác sĩ, thứ nhất là học thuật, phải học cho vững, thứ hai là phải rèn luyện đức độ của mình. Tôi biết một nước công nghiệp phát triển, trong đề thi cho các bác sĩ y khoa lại có các hình phù điêu, câu hỏi trong đề thi là bạn thích cái nào, tại sao bạn thích và yêu cầu phân tích. Người nào phân tích được tức là có óc thẩm mỹ. Ví dụ đó cho thấy, người làm y khoa còn cần phải có thẩm mỹ, không có óc thẩm mỹ thì không thể nào làm y được. Cho nên, người làm y bên cạnh học thuật, còn là nhân văn nữa. Thật sự người học y là người có nhân văn bên cạnh học thuật.
MC Trang Moon: Là người tiếp cận rất nhiều các kỹ thuật tiên tiến trong nước và thế giới về lĩnh vực thận, tiết niệu và nam học, bác sĩ Lê Tuấn có thể chia sẻ về một số phương pháp đó được không ạ?
ThS.BS Lê Tuấn: Hiện tại, trong chuyên ngành tiết niệu trên thế giới có những phương pháp đem lại giá trị rất lớn so với các phương pháp cũ. Ví dụ như phương pháp tán sỏi qua da có thể tán sỏi triệt để và chỉ để lại một vết sẹo rất nhỏ, ưu việt hơn so với công nghệ cũ. Ví dụ, một phẫu thuật sỏi san hô trước kia phải mổ mở, rạch trên dưới 15 cm, bây giờ việc này được thực hiện bằng một đường nhỏ bằng đầu bút. Phương pháp cũ khi mổ sỏi thì phải mổ thận, mổ đến đâu thì tổn thương đến đó, còn phương pháp tán sỏi qua da chỉ cần dùng máy nhỏ như đầu bút, vào đài thận, tán nhỏ, chúng ưu việt hơn rất nhiều, tổn thương giảm, hạn chế đau đớn cho bệnh nhân, thời gian xuất viện nhanh hơn và tán sỏi triệt để hơn. Cùng với đó là rất nhiều công nghệ khác, cùng với các công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, chúng tôi đã lĩnh hội, bắt kịp về chuyên môn với thế giới để áp dụng cho bệnh nhân của mình.

MC: Được mệnh danh là người có “bàn tay vàng” trong lĩnh vực thận, tiết niệu và nam học, chắc hẳn anh đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật đáng nhớ?
Ths.Bs Lê Tuấn: Trong các ca phẫu thuật, tôi có những ca phẫu thuật rất đặc biệt, đó là một bệnh nhân nam 31 tuổi bị đứt dương vật bán phần do máy bào gỗ văng vào. Chúng tôi đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nam này, khôi phục chức năng giải phẫu, chức năng tiểu tiện và chức năng làm chồng của bạn ấy. Đây là phẫu thuật hiếm ở nước ta, chỉ có một vài trường hợp, và là một phẫu thuật cấp cứu, cần làm trước sáu giờ. Chúng tôi đã hội chẩn với phó giáo sư Nguyễn Quang, và theo dõi chức năng cương dương đạt được tốt. Bây giờ tôi vẫn nhớ được hình ảnh, thao tác đã thực hiện cho bạn ấy.Ngoài ra, các bệnh nhân nam giới lớn tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến, bí tiểu, vào bệnh viện đặt thông tiểu cấp cứu. Nhiều trường hợp u to khó đặt thông, khi phải đặt dụng cụ nhiều bệnh nhân thấy sợ, nhiều bác còn nặng lời, nhưng khi đặt thông xong, áp lực giảm xuống, nỗi đau giảm đi từng giây từng giây. Lúc đó, tôi và điều dưỡng, người bệnh và gia đình đều thấy vui và xúc động vì điều đó. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những ca điều trị đáng nhớ mà tôi đã trải qua.

MC Trang Moon: Thưa giáo sư Phạm Gia Khải, giáo sư có chia sẻ gì về những nỗ lực cống hiến của những thế hệ bác sĩ trẻ như bác sĩ Lê Tuấn?
GS.NGND Phạm Gia Khải: Trong nghề y, chúng ta luôn cần vượt bản thân chúng ta chứ không tự hài lòng với những cái ta đã làm. Như thế không có nghĩa là chúng ta coi khinh truyền thống, truyền thống tức là những kinh nghiệm đã có rồi, chúng ta hiểu rõ nó, biết rõ nó và từ đó vượt qua nó trên cơ sở khoa học. Tôi thấy điều đó rất tốt. Tôi nhắc lại, chúng ta không có hạn chế nào hết, không có một chân trời nào hết đối với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
MC Trang Moon: Giáo sư có suy nghĩ gì về “thế hệ các bác sĩ vàng” hiện nay?
GS.NGND Phạm Gia Khải: Tôi thấy là thế hệ sau phải hơn thể trước, hơn là thông minh hơn, con đường đi dài hơn và tiếp thu kỹ thuật tốt hơn. Tôi cũng kính trong các anh em trẻ làm tốt chức năng của mình, đồng thời biết cân bằng giữa học thuật và đạo đức, các anh chị em đó là rất đáng kính trọng và chúng ta nên tuyên dương họ.

MC Trang Moon: Thưa bác sĩ Lê Tuấn, theo anh đâu là phẩm chất cần có của người thầy thuốc?
Ths.Bs Lê Tuấn: Với người bác sĩ thì đức tính cẩn thận là rất quan trọng, bởi vì cần có sự chính xác trên người bệnh. Nếu chúng ta không cẩn thận thì có thể có sai sót. Nếu cẩn thận thì sẽ hạn chế được sai sót rất nhiều.

MC Trang Moon: Để có một lời khuyên với các bạn trẻ đang muốn trở thành thầy thuốc trong tương lai, GS Phạm Gia Khải và Ths.Bs Lê Tuấn có chia sẻ gì?
GS.NGND Phạm Gia Khải: Nếu cho tôi bây giờ khoác lên mình cái áo blouse trắng, cảm nghĩ của tôi cũng giống như hồi tôi mới khoác lên. Nghề y này là cái nghề không bao giờ già mặc dù tôi đang rất lớn tuổi rồi nhưng mà lúc nào cũng cảm thấy rằng mình cần học nữa, cần phải tốt nữa… Còn đối với các bạn trẻ, các bạn trẻ bây giờ là tiếp nối thế hệ sau và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ vượt qua được thế hệ chúng tôi.
Ths.Bs Lê Tuấn: Từ trước đến nay, các bạn thi vào ngành y điểm rất cao, các bạn học lực rất tốt thì mới có cơ hội vào nghề y. Cho nên có những bạn sinh viên ngành y xuất phát điểm là rất cao, tuy nhiên, ngành y tiếp xúc trực tiếp với con người, là nghề cần chuyên môn sâu, làm việc chính xác, cần trau dồi đạo đức, kỹ năng tiếp xúc với người bệnh. Còn để tư vấn cho các bạn sinh viên, tôi đã từng trải qua tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn. Các bạn sinh viên cần học tập chủ động, tích cực, các bạn cần chủ động lập ra thời gian cho riêng mình để học, cần tìm các ca bệnh các bạn đang học để có thực tế, chủ động tìm tài liệu liên quan đến ca bệnh đó để làm sáng tỏ ngọn ngành ca bệnh đó, lưu trữ cất tài liệu đó trên điện toán đám mây để cần xem lại, không mất thời gian tìm lại.
MC Trang Moon: Vâng xin cảm ơn GS.NGND Phạm Gia Khải và Ths.Bs Lê Văn Tuấn với cuộc trò chuyện hữu ích ngày hôm nay. Chúc hai thầy thuốc sẽ có thật nhiều niềm vui trong ngày thầy thuốc Việt Nam và mãi là hình ảnh, là động lực để các bạn trẻ phấn đấu, noi theo.
Thực hiện: Cộng Hòa, Việt Tú, Đỗ Hằng, Kiều Khánh, Hữu Cảm, Trang Moon